Hãy tưởng tượng bạn lạc vào một "mê cung" mua sắm và không biết đường đi lối lại. Bạn cần được hướng dẫn và lập tức, một người máy xuất hiện...
7 robot đã tham gia hướng dẫn khách đến khu phức hợp giải trí Universal Citywalk Osaka ở Osaka (Nhật Bản) trong một chương trình thử nghiệm robot làm hướng dẫn viên mua sắm.
Từ việc phát coupon đến việc đưa ra những chỉ dẫn, 4 loại robot làm việc bên cạnh các đồng nghiệp người. Trong số này có Robotvie-II, một người máy cao 114 cm do Intelligent Robotics và Communication Laboratories of Advanced Telecommunications Research International chế tạo. Các kỹ năng của robot này bao gồm phát hiện những người mua sắm đi lang thang không định hướng, nhằm cung cấp cho họ những chỉ dẫn và hướng họ đi tới điểm mà họ cần.
Trong khi đó, một robot khác có tên gọi là Wakamaru, do hãng Mitsubishi Heavy Industries chế tạo, được lập trình để có khả năng "đoán" được những nhu cầu của một người mua sắm dựa trên việc người đó nhìn vào biển hiệu nào. Sau khi xác định được ánh mắt của người đi mua sắm đang tập trung vào đâu, robot nói trên có thể truyền thông tin mà nó "nghĩ" rằng người đi mua sắm đang tìm kiếm lên màn hình của mình. Một mạng kiểm soát trung tâm được kết nối với cả 7 robot nhằm điều phối việc cung cấp các dịch vụ cho khách tham quan trong suốt quá trình thử nghiệm tại Universal Citywalk Osaka.
Trong bối cảnh lao động thiếu hụt, Nhật Bản đang thúc đẩy một cuộc cách mạng về robot. Tại nước này người ta đã chứng kiến sự ra đời của những loại robot tiếp tân, robot chăm sóc người cao tuổi, robot giúp việc nhà, robot đóng kịch, robot chào đón khách tham quan triển lãm, và giờ là robot hướng dẫn mua sắm. Năm ngoái, Bộ Thương mại Nhật Bản đã ước tính nước này cần đến 1 triệu robot công nghiệp trước năm 2025. Trong khi đó, theo tính toán của Hiệp hội robot Nhật Bản, ngành công nghiệp robot hứa hẹn đạt mức doanh thu khoảng 100 tỉ USD vào năm 2030.